HỢP XƯỚNG MIỀN NAM ANH DŨNG VÀ BẤT KHUẤT
29/12/2020 700
Theo sát từng bước cuộc đấu tranh giành độc lập, hoà bình, thống nhất đất nước, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã kịp thời sáng tác những ca khúc chan chứa tình yêu đất nước mà có sức cổ vũ mạnh mẽ hàng triệu người dân đứng lên chống kẻ thù xâm lược. Theo hiệp định Genève (được ký năm 1954) thì hai năm nữa (1956) sẽ có Tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Theo sát từng bước cuộc đấu tranh giành độc lập, hoà bình, thống nhất đất nước, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã kịp thời sáng tác những ca khúc chan chứa tình yêu đất nước mà có sức cổ vũ mạnh mẽ hàng triệu người dân đứng lên chống kẻ thù xâm lược. Theo hiệp định Genève (được ký năm 1954) thì hai năm nữa (1956) sẽ có Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng Tổng tuyển cử đã không thành vì địch ra sức phá hoại hiệp định này. Đế quốc Mỹ đã nhảy vào Việt Nam hất cẳng thực dân Pháp, lập chính quyền thân Mỹ Ngô Đình Diệm, chúng chủ trương chia cắt lâu dài đất nước ta để trị. Từ giữa những năm 50 và đầu những năm 60 của thế kỷ trước nhân dân miền Nam bị sống dưới ách đô hộ, kìm kẹp dã man của bọn Mỹ Diệm, chúng lập nhà tù, “ấp chiến lược” (mà thực chất là nhà tù), lê máy chém đi khắp nơi, giết chóc, hãm hiếp dân lành, những người đấu tranh đòi độc lập, thống nhất đất nước. Những vụ thảm sát như Phú lợi, những cuộc tự thiêu của sư sãi như ở Huế xảy ra không ngớt từ đô thị đến làng quê miền Nam. Uất hận trào dâng khắp cả nước... Dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, nhân dân miền Nam từ già tới trẻ đã vùng đứng lên đập tan ách xiềng xích của chúng. Vì miền Nam ruột thịt, nhân dân miền Bắc, một mặt xây dựng hậu phương vững mạnh, mặt khác ra sức chi viện sức người, sức của để giải phóng miền Nam. Trong cao trào Cách mạng đó, năm 1960 nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết chương “Miền Nam anh dũng và bất khuất” (trích trong tổ khúc hợp xướng “Tổ quốc” 4 chương).
Âm nhạc đoạn đầu tha thiết, thương đau với giọng lĩnh xướng nam trung: “Quê ta đất miền Nam mây mù che khắp bầu trời/ Bóng thù đè nặng trên miền Nam xương máu còn rơi./ Phương Nam xóm làng quê vẫn bền gan giữ lời thề/ Sông núi đau thương mong chờ ánh dương tràn về...”. Tiếp đó là đoạn nhạc thể hiện tình cảm và ý chí đấu tranh thống nhất nước nhà của toàn dân tộc với niền tin không gì có thể lay chuyển được:” Mối tình Nam Bắc khăng khít thêm bền lâu/ Đây tình quê hương như núi cao biển sâu.../ Hẹn một ngày mai cùng nhau vui dưới bóng cờ/ Chung sóng biển Đông con thuyền ta lướt yên lành/ Vang tiếng ca ngày Thống nhất, Hoà bình”. Sau đó, hoà với lĩnh xướng là dàn hợp xướng bốn bè, âm nhạc trở nên trầm lắng, đau thương da diết: “Nay bao cảnh điêu tàn đau khổ vì Mỹ ngụy tàn sát/ Tù đày và chém giết lan tràn miền Nam xót xa”...
Uất hận dâng trào lên đến cực điểm, âm nhạc đoạn tiếp cuồn cuộn sôi nổi, quyết liệt với hợp xướng bốn bè: “Máu thắm đã kêu trả máu! Đầu van trả đầu!/ Đời đời không quên mối hận thù sâu/ Ta mau đứng lên!...Miền Nam kiên cường vùng lên!”. Càng đấu tranh càng giữ vững niềm tin vào thắng lợi, âm nhạc trở nên hùng mạnh và ngời sáng: “Từ trong đấu tranh, miền Nam vững tin ngày thống nhất/ Miền Nam anh dũng đứng lên giành lấy chién thắng/ Thống nhất Bắc Nam vững bền!/ Niềm tin ta càng vững bền!”
Sau khi dàn hợp xướng của Đoàn Ca nhạc Đài TNVN trình diễn thành công thì nhiều trường Đại học cũng tổ chức các dàn hợp xướng đông người trình diễn hợp xướng này, góp phần bồi đắp tình cảm Bắc Nam và nâng cao ý chí đấu tranh giải phóng miền Nam Thống nhất đất nước.
(Trích Hồi ký Chúng tôi đã sống như thế của PGS – TS Nguyễn Ánh Tuyết)