Tiếng hát về những miền quê
23/03/2022 411
Về mảng đề tài quê hương, số lượng tác phẩm của Phạm Tuyên có khá nhiều. Ông đã đi khắp nhiều nơi, về nhiều miền quê mà ở đâu ông cũng gửi lại khúc ca đầy tình nghĩa.
Về Cao Bằng nhạc sĩ viết Cao Bằng bình minh (1978), Lòng mẹ Nà Mạ (1995); về Thái Nguyên ông viết Muôn vàn tình thương yêu (1980); về Tuyên Quang ông viết Về thăm ATK Định hoá; Về Sơn La ông viết Trên thảo nguyên Châu Mộc (1969); về Vĩnh Phúc ông viết Ngọn lửa Mê Linh thuở ấy (1978); về Bắc Kạn nhạc sĩ viết Quê em có Hồ Ba bể (1999); về Phú Thọ ông viết Mở đường cho em đi trảy hội (1984); về Quảng Ninh ông viết Hạ Long xanh xanh (1989); về Hưng Yên ông viết Gặp nhau trong đêm hội Trống quân (1992); về Bắc Giang ông viết Về Sơn Đông, về làng Gốm (202); về Hải Dương ông viết Bình Giang ngày mới (2001); về Thái Bình ông viết Cây lúa Thái bình (1970); về Hải Phòng ông viết Nếu anh Cảnh còn sống (1971); với Hà Sơn Bình ông viết Bài ca Hà Sơn Bình (1977), với Hà Tây ông viết Màu xanh Phú Xuyên (1993); về Thanh Hoá ông viết Bài ca tuổi trẻ Nam Ngạn anh hùng (1967); về Nghệ An ông viết Có ai vô xứ Nghệ (1973), Thành phố Đỏ bên bờ sông Lam (1985); về Hà Tĩnh ông viết Chim hót dưới trời Đồng Lộc (1994). về Quảng Bình ông viết Quảng Bình chiến thắng (1966), Cây lúa Quảng Bình, cây súng Quảng Bình (1971); về Thừa Thiên – Huế ông viết Chợ Đông Ba , Về thôn Vỹ Dạ (1996), về Đà Lạt ông viết Đà Lạt ngày mới, Hát dưới mây trời Đà Lạt (1993); Về Đăk Lăk ông viết Màu xanh Đăk Lăk (1983), Vợ chồng H’Nhí về buôn mới (1983); về Đà Nẵng ông viết Bên bờ biển Mỹ Khê (1999); với Trường Sa ông viết Ta ca Trường Sa (1988); về Tây Ninh ông viết Son sắt Tây Ninh (1984), Đôi bờ sông Vàm cỏ (1984), về Tiền Giang ông viết Sóng nước Tiền giang (1984); về Cần Thơ ông viết Cần thơ một khúc ca (1984); về Thốt Nốt ông viết Quê ta có hòn đảo ngọt (1984); về Hậu Giang ông viết Hậu Giang ngày mới (1984); về Bình Dương ông viết Bình Dương viên ngọc Viễn Đông (2001); với Thành phố Hồ Chí Minh ông viết Thàng phố mười mùa hoa (1985), Nhớ mùa hoa phượng (2004). Đặc biệt đối với Hà Nội nhạc sĩ Phạm Tuyên viết hẳn một tập ca khúc gồm vài chục bài: Mây đầu ô (1989), Hồ Tây chiều Bình yên (1994), Có một mùa thu Hà Nội (1998), ngoài hai bài hát Hà Nội những đêm không ngủ và Hà Nội - Điện Biên Phủ anh viết trong 12 ngày đêm đánh B52, sau đó ông lại viết tổ khúc hợp xướng Vầng sáng Hà Nội (1974) cũng về đề tài này, gồm 4 chương: Trận địa bên sông Hồng, Phố vắng, Khúc hát dân phòng, Pháo hoa bên Hồ gươm...
Trong bài Có ai vô xứ nghệ (phổ thơ Huy Cận), ông đã tự coi mình là người xứ Nghệ để cất lên lời chào mời chân tình tha thiết bằng giọng của một người xứ Nghệ: “Ai đi vô nơi đây, Xin dừng chân xứ Nghệ/ Ai đi ra nơi đây, xin chân dừng xứ Nghệ/ Nghe câu hò ví dặm, càng lắng lại càng sâu/ Như sông La chảy chậm, đọng bao
thuở vui sầu”... Rồi như một người xứ Nghệ thực thụ, phỏng theo điệu hò ví dặm anh giới thiệu với khách đường xa từ ngoài Bắc vào hay từ trong Nam ra những cái hay, cái đẹp thật độc đáo của quê mình mà nhiều nơi không có được: “Ai ơi! cà xứ Nghệ càng mặn lại càng ròn/ Nước chè xanh xứ Nghệ càng chát lại càng ngon/ Tình xứ Nghệ không mau, nhưng bén rồi sâu lắng/ Quen xứ Nghệ quen lâu càng tình sâu nghĩa nặng/ Khoai lang vàng xứ Nghệ càng nhai kỹ càng bùi/ Cam Xã Đoài xứ Nghệ càng chín lại càng tươi”... Nhưng đáng tự hào hơn hết đó là nơi đã diễn ra cao trào Cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh do Đảng lãnh đạo: “Đất này đất Xô Viết, Đảng mở hội cờ hồng”. Bằng âm hưởng mênh mông sâu lắng vừa mang tính truyền thống vừa dạt dào hơi thở hiện đại, anh nhận ra tâm hồn xứ Nghệ đã hoà quyện vào trong tâm hồn Việt Nam, đó chính là tâm hồn người con vĩ đại của dân tộc – Bác Hồ: “Ôi tâm hồn xứ Nghệ trong hồn Việt Nam ta/ Có gì tự ông cha rất xưa và rất trẻ/ Giống như Bác của ta một người con xứ Nghệ/. Ca khúc Có ai vô xứ Nghệ được NSND Thanh Huyền cùng tốp ca nữ trình bày trên làn sóng Đài TNVN, sau đó được Đoàn Văn công Nghệ Tĩnh chọn làm tiết mục trong nhiều năm.
Bài ca Vợ chồng H’Nhí về buôn mới, ông viết khi về thăm Đăk Lăk đúng vào dịp vận động định canh định cư. Anh hoà nhập rất nhanh vào người dân nơi đây đang cố từ bỏ cuộc sống du canh du cư để về xây dựng buôn mới với tâm trạng vui mừng, lạc quan: “H’Nhí còn nhớ mãi một ngày nắng chan hoà/ Khu đất mới bóng soi bên hồ rộn lời hát câu ca/ Như một ngày hội vui, người đông, sức thêm nhanh/ Xây nên làng buôn mới, định cư chốn đất lành. Niềm phấn khởi đang bừng lên trong những đôi vợ chồng trẻ: “Ê...Đôi vợ chồng trẻ, với cánh tay mạnh khoẻ/ Dựng nhà sàn xinh xinh giữa xóm giềng thân mến”. Bởi họ nhận ra rằng: “Tổ ấm dù bé nhỏ mà thấy đời tự do/ Càng góp sức thêm nhiều dựng xây quê hương thân yêu”. Bài hát nhỏ nhưng có sức động viên lớn đã lan toả ra khắp buôn làng, góp phần vào thành công của phong trào định canh định cư ở nơi này.
Mỗi ca khúc viết về một miền quê nhạc sĩ đều ghi lại những ấn tượng sâu sắc về con người và cảnh vật nơi đó.