Website chính thức của nhạc sĩ Phạm Tuyên 12/01/2022

Trích Hồi ký phu nhân nhạc sĩ về ca khúc Cần Thơ một khúc ca

23/03/2022 726

" Cần Thơ một khúc ca" trích trong hồi ký phu nhân nhạc sĩ phạm tuyên

Năm 1984, sau gần 10 năm giải phóng, nhạc sĩ Phạm Tuyên có dịp đến thăm các miền quê Nam bộ. Quang cảnh chiến tranh vẫn còn đó, ngổn ngang dây thép gai cùng những mảnh vườn đang còn vết cày xới bởi bom đạn giặc Mỹ trên đất Cần Thơ. Cần Thơ, mảnh đất nằm bên bờ con sông Hậu có cái tên thật yên bình, chắc hẳn đã đọng lại trong đó cuộc sống của người dân hiền lành mà tâm hồn cao đẹp ở nơi đây? Ông cố tìm hiểu ý nghĩa của cái tên Cần Thơ: “Có phải ngày xưa con sông Hậu hiền hoà, đêm trăng nước vẳng tiếng đàn cùng lời ca/ Hay đôi bờ ngát hương hoa trái ngọt, những luống rau cần bên những luống rau thơm?/ Có phải người xưa mang tâm hồn nghệ sĩ/ Trong tâm hồn lao động của đồng quê?”. Như một phát hiện: “Đất thành tên ghi cảnh sắc một bến bờ/ Cho ta mãi gọi Cần Thơ! Cần Thơ!”. Đúng như thế, ông đã đọc thấy trong một cuốn sách của người xưa một “truyền thuyết” về tên đất Cần Thơ: Cần Thơ chính là tên của hai loại rau quý là rau Cần và rau Thơm mọc nhiều ở bên bờ con sông Hậu. Bây giờ ít ai nhớ đến truyền thuyết đó nhưng bằng sức lao động cần cù, bằng sức đấu tranh dũng cảm đang làm cho Cần Thơ trở thành một thành phố có sức vươn lên mãnh liệt: “Cần Thơ! Thành phố hôm nay bừng lên sức thanh xuân/ Những tháng năm dài, qua đấu tranh càng đẹp, qua gió mưa càng bền.” Ông tin tưởng thực sự ở một tương lai rực rở của thành phố này: “Cần thơ! thành phố ngày mai! Tàu qua bến cảng đêm ngày/ Phương Nam Tổ quốc ánh lên một viên ngọc sáng/ Điểm tô thêm sắc tươi cho đất mẹ Việt Nam!

Cuối năm 2004, vợ chồng nhạc sĩ được Đài Truyền hình Cần Thơ mời về thăm lại mảnh đất này nhân kết thúc một chuyên mục dài trên Đài có tiêu đề là Cần Thơ một khúc ca, đúng tên tác phẩm của anh. Người ta thiết kế chương trình cuối cùng của chuyên mục này bằng các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên để truyền hình trực tiếp ra khắp cả vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Những người tham gia chương trình là ca sĩ, nhóm ca của chính đất Cần Thơ, nhưng nổi nhất vẫn là những tiết mục của ca sĩ và nhóm ca nổi tiếng từ thành phố Hồ chí Minh về trình diễn, như ca sĩ Hồng Hạnh với bài Con kênh ta đào và đặc biệt là bài Cần Thơ một khúc ca tiết mục “đinh” của chương trình với giọng ca ngọt ngào đầy ân tình; nhóm AC & M với hai bài Tiếng hát những đêm không ngủ và Chiếc gậy Trường Sơn trình bầy theo phong cách Acapella nghe rất lạ và rất hấp dẫn; nhóm Cỏ May với bài Một lời yêu bằng giọng ca trong sáng, tươi tắn của những cô gái trẻ, cùng nhiều bài hát ông viết cho thiếu nhi Cần Thơ do chính các em nơi đây biểu diễn rất hồn nhiên và rất đáng yêu như bài Những con kênh quê em, Quê em có hòn đảo ngọt...

Một đêm nhạc đầy ấn tượng, thật khó quên, trong lúc và ngay sau đó vợ chồng nhạc sĩ đã nhận nhiều cú điện thoại của bạn bè từ các tỉnh quanh vùng gọi về chúc mừng sự thành công của đêm nhạc Cần Thơ một khúc ca của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Có lẽ ông đã hoá thân thành người miền Tây Nam bộ ngập trong tiếng đờn ca tài tử, nên ở Cần thơ anh như người địa phương nơi đây vậy. Cái hồn của những câu vọng cổ, của những điệu lý đã nhập vào ông rất tự nhiên để ông có thể cất lên hai tiếng Cần Thơ! Cần Thơ! thật ngọt ngào và đầy ân tình.

Sau chương trình biểu diễn là một cuộc gặp mặt ngắn giữa vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên với anh chị em văn nghệ sĩ Cần Thơ. Họ hết sức vui mừng vì đêm nhạc kết thúc một chuyên đề dài trên truyền hình Cần thơ một khúc ca đã thành công tốt đẹp. Họ bàn với nhau rất nhiều về những tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng Cần Thơ. Rồi bỗng một giọng nói Nam bộ chắc nịch vang lên: “Tụi mình ở ngay đây mà không hiểu được gốc gác cái tên Cần Thơ, thế mà anh Phạm Tuyên ở tận ngoài Hà Nội lại phát hiện được ý nghĩ đẹp đẽ của cái tên xứ mình, thiệt là tài!”. Và cũng ngay đêm đó, một cuộc chia tay ngắn ngủi đầy lưu luyến diễn ra, đài Truyền hình Cần Thơ tặng cho nhạc sĩ Phạm Tuyên một CD gồm các ca khúc ông viết tặng nhân dân Cần Thơ, trong đó có ca khúc Cần Thơ một khúc ca được trình bày với nhiều hình thức: đơn ca, đồng ca. Có một tiết mục gây xúc động hơn cả là dàn đồng ca rất bề thế hơn 100 người cùng hát bài Cần Thơ một khúc ca, có lĩnh xướng và đồng ca nhiều bè. Nhưng cảm động hơn hết là khi được biết bài ca này trong nhiều năm qua đã trở thành bài hát nằm lòng của người dân nơi đây.

Bài viết liên quan