NỖI ĐAU CHIẾN TRANH
29/12/2020 1815
Sau chiến tranh, đất nước đã được hoà bình thống nhất Phạm Tuyên có độ lùi lịch sử, đủ thời gian và sự bình tĩnh để nhìn lại những hy sinh, mất mát của những người ra tiền tuyến cũng như những người ở lại hậu phương đã đóng góp xương máu và cả những gì quý giá nhất của cuộc đời vào cuộc kháng chiến thần thánh vĩ đại của dân tộc, anh lại có những ca khúc chạm đến sợi dây tình cảm thiêng liêng đầy tính nhân bản. Có thể kể đến các ca khúc: Giá anh đừng yêu em, Chỉ có dòng sông biết, Mẹ vẫn chờ, Tiếng vọng Trương sơn...
Sau chiến tranh, đất nước đã được hoà bình thống nhất Phạm Tuyên có độ lùi lịch sử, đủ thời gian và sự bình tĩnh để nhìn lại những hy sinh, mất mát của những người ra tiền tuyến cũng như những người ở lại hậu phương đã đóng góp xương máu và cả những gì quý giá nhất của cuộc đời vào cuộc kháng chiến thần thánh vĩ đại của dân tộc, anh lại có những ca khúc chạm đến sợi dây tình cảm thiêng liêng đầy tính nhân bản. Có thể kể đến các ca khúc: Giá anh đừng yêu em, Chỉ có dòng sông biết, Mẹ vẫn chờ, Tiếng vọng Trương sơn...
Về bài Giá anh đừng yêu em phổ thơ Bùi Văn Dung vào lúc xảy ra chiến tranh biên giới. Bài hát thể hiện những day dứt thầm kín, những tình cảm sâu nặng của một người lính đang ở chiến trường nghĩ về người vợ trẻ ở hậu phương. Bài hát thật xúc động nhưng đã gặp phải một số phận khá long đong. Khi ca sĩ Ngọc Tân mới thu thanh lần đầu chưa kịp phát trên sóng phát thanh thì đã có một vài ý kiến không chấp nhận tứ thơ quá chân thật như: “Giá em đừng yêu anh thiết tha nhiều đến vậy... Anh đi dài năm tháng để mình em đợi chờ/ Đừng yêu anh bao giờ/ Hai phương trời bão nổi/ Biết lòng em bối rối/ Con tằm dứt lứa tơ/ Đừng yêu anh làm gì/ Chiến tranh dài lắm đấy/ Chờ anh nhiều như vậy/ Mùa xuân nào chịu yên!...”. Mặc dầu ở đoạn kết tình yêu của người chiến sĩ vẫn nồng cháy, vẫn tràn ngập niềm tin: “Giờ có thể yêu em đắm say và nồng thắm/ Hai phương trời đầy nắng/ Đợi anh về nghe em!”. Phải tới mười năm sau, khi Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung đem ca khúc này biểu diễn ở Pháp với sự đồng tình của Bộ Văn Hoá- Thông tin thì bài hát mới được trở lại trên sân khấu, trong các băng nhạc và các tuyển tập.
Bài Chỉ có dòng sông biết (phổ thơ Nguyễn Bách), bài hát chứa đựng một nỗi đau thầm kín của đôi trai gái đã mất đi mối tình đầu vì chiến tranh: “Nay anh trở lại, em đã là người mẹ!”. Họ gặp lại nhau bên bờ sông năm xưa: “Nhưng tuyệt nhiên không ai nói với ai về buổi chia ly chiều ấy” mà “Chỉ có dòng sông dạt dào cuộn chảy biết đôi bờ sống mãi một tình yêu”. Nỗi đau không phải do cảm giác có thực đem lại mà từ hai tâm hồn trống trải, lẻ loi. Âm nhạc của bài ca toát lên một nỗi buồn da diết, bâng khuâng. Bài hát ngay khi mới ra đời đã được NSND Thanh Hoa đem hát cho bộ đội nghe, một vị tướng khi nghe xong đã xúc động nói: Bài hát đó chính là câu chuyện của đời tôi!”. Sau đó, trong đêm nhạc “Lời ru mùa xuân” của nhạc sĩ Phạm Tuyên nhân dịp 8/3/2001 do TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức, NSND Trần Hiếu hát bài này làm cho không khí khán giả trầm lắng hẳn xuống, có cả những giọt nước mắt! Để phá tan bầu không khí bi ai đó nghệ sĩ liền xin hát tiếp một bài hát vui nhộn hiếm thấy của nhạc sĩ Phạm Tuyên mong giải khuây cho mọi người, đó là bài Chỉ một mình em biết (1988) phổ thơ Lập Em: “Em muốn anh già đi như bao nhiêu người già/ Trước bao cô gái lạ anh chào thật hững hờ rồi quay đi vội vã/ Em muốn anh già đi như bao nhiêu người già/ Chỉ một mình em biết anh trẻ mãi mà thôi!...”. Với dáng vẻ hài hước NSND Trần Hiếu đã làm cho không khí hội trường vui vẻ trở lại.
Bài Mẹ vẫn chờ (phổ thơ của Đoàn Thị Lam Luyến), không khí âm nhạc của bài hát nghe sao mà khắc khoải, xót xa trong niềm mong mỏi vô vọng. Biết là con mình đã hy sinh nhưng người mẹ vẫn bao đêm thấp thỏm đợi chờ và cứ day dứt băn khoan: “Sao không về báo mộng, ở đâu con?”Và người mẹ ấy “Rằm tháng bảy năm nào cũng gói bánh chờ con”. Rồi mẹ cũng có được niềm an ủi lúc tuổi già: “Xóm làng đã thay con dựng cho mẹ căn nhà/ Đã có bể nước trong/ Đã có cong gạo trắng”. Bài hát do Đăng Dương trình bày cùng nhiều hình ảnh đơn côi của những người mẹ đau khổ vì những đứa con không trở về, đã được phát trọn một chương trình Truyền hình trên VTV1 nhân ngày thương binh liệt sĩ, trong dịp Nhà Nước tặng huân chương cho những người Mẹ Việt Nam anh hùng. Trên Đài TNVN cũng đã ngân vang bài ca này qua giọng hát sâu lắng mà thiết tha của NSƯT Thuý Lan.
Bài Tiếng vọng Trường Sơn (trích thơ Nguyễn Hữu Quý). Trong một ngày hoà bình, đến thăm Nghĩa trang Trường Sơn, người nhạc sĩ đã từng góp tiếng reo vui trong ngày Đại thắng bỗng thấy tâm hồn mình lắng lại, lặng đi khi nhìn thấy: “Nằm kề bên nhau những nấm mộ giống nhau/ Mười nghìn bát hương, mười nghìn ngôi sao sáng/ Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng/ Mười nghìn đôi vai từng gánh Trường Sơn...”, anh như nghe thấy lời khẩn thiết tự đáy lòng mình: “Mười nghìn tấm bia, nhưng còn mười nghìn nữa/ Mười nghìn đồng đội rải khắp Trường Sơn...Mười nghìn đơn côi đang nằm trong cõi vắng/ Mười nghìn khát vọng mong được về bên nhau” và cũng chính từ trái tim anh đã vang lên Tiếng vọng Trương sơn! Khát vọng Trường Sơn! Âm nhạc trầm hùng nhưng lại ngân lên tiếng vọng khẩn thiết từ Trường Sơn khiến người nghe hết sức xúc động, muốn làm một điều gì đó cho thoả vong linh những người nằm xuống nơi đây. Bài hát đã được thể hiện với giọng ca của NSƯT Ngọc Khang trong một chương trình ca nhạc tại Nhà hát lớn nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ. Sau đó bài hát được phát trọn trong chương trình Tác phẩm mới trên VTV1 bởi giọng ca của NSƯT Trọng Thủy với hình ảnh nghĩa trang và núi rừng Trương sơn, đem đến cho người nghe sự tưởng nhớ khôn nguôi đối với những liệt sĩ. đã nằm lại Trường Sơn.
Ca khúc Tháng tư này em ở đâu? Phổ thơ Nguyễn Công Sao là một bài hát trữ tình, anh viết về mối tình của một cô gái thanh niên xung phong sửa đường với anh lính lái xe ra mặt trận. Tình yêu của họ sao mà trong sáng và cao đẹp thế! Dù đến bây giờ nước nhà thống nhất hòa bình đã mấy chục năm rồi mà họ vẫn xa cách nhau, vẫn tìm nhau, nhưng chỉ còn vọng lại câu hỏi day dứt: "Tháng tư này ngày ấy em ở đâu?”. Rồi bao nhiêu kỷ niệm hiện về trong ký ức. Mấy chục năm rồi mà hình ảnh cô gái ấy trong lòng người yêu vẫn trẻ trung, xinh đẹp. Kỷ niệm thời chiến tranh gian khổ mà đẹp đẽ biết nhường nào: “Em còn nhớ những ngày như thế/ Đi san đường tiếng hát lẫn trong mây?/ Trường Sơn mưa bay mưa bay/ Đường trơn quá xe anh vượt dốc, cua tay lái vực sâu hun hút/ Em hối hả chỉ lối cho xe anh qua”. Thoát nạn nhờ cô gái chỉ lối đi, nhưng lại thương cô phải ở lại nơi ác liệt “Xe anh qua rồi/ Em ở lại túi bom”, và hình ảnh cô gái ấy vẫn cứ theo anh đi khắp chiến trường với mùi hương hoa rừng ngan ngát. Rồi cứ dồn dập những câu hỏi mà không có người trả lời: “Tháng tư này ngày ấy em ở đâu?”/ Mái tóc dài có còn ong ả?”. Người lính lái xe năm xưa vẫn yêu, vẫn chờ tin tức cô gái thanh niên xung phong, nhưng họ mãi mãi chia ly. Và câu hỏi cứ khắc khoải khôn nguôi: “Tháng tư này ngày ấy em ở đâu?” vang vọng mãi trong lòng người.
Ca khúc “Tháng tư này em ở đâu?”, lời thơ đã mang một sắc thái tình cảm nhớ thương da diết, mà âm hưởng của bài ca lại càng da diết nhớ thương. Nhưng âm nhạc trong ca khúc này không hề sầu thảm bi lụy, vẫn ánh lên niềm tự hào vì đã chứng kiến một tình yêu tuyệt đẹp trong cuộc đời. Tác giả thơ Nguyễn Công Sao đã tâm sự trong một bức thư gửi tác giả nhạc: “Em viết bài thơ ấy cách đây cũng đúng một năm với tình yêu nồng nàn những người nữ Thanh niên xung phong đã một thời cùng với bọn em không tiếc máu xương “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”… Bài thơ của em được đăng báo là mừng, giờ lại được anh phổ nhạc thật xúc động. Em lấy làm hạnh phúc lắm, chẳng biết lấy gì để cảm ơn anh được”.
Ca khúc “Tháng tư này em ở đâu?” đã được vang lên trên sóng Đài TNVN và trong đêm nhạc Vầng sáng Hà nội của nhạc sĩ Phạm Tuyên (2002) với giọng ca truyền cảm của Việt Hoàn, ca sĩ đã thả hồn mình vào gai điệu và lời ca làm cho người nghe thật xúc động. Ca khúc này cũng đã được trình diễn theo một phong cách khác lạ: phong cách opéra bởi giọng nam trên nền piano trong cuộc vận động sáng tác âm nhạc quốc tế nhân Festival Huế 2004.
Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, một cuốn nhật ký có số phận đặc biệt, do một người lính Mỹ bên kia chiến tuyến cất giữ cẩn thận sau 35 năm, nay đưa lại cho gia đình, đất nước cô. Đây là sự kiện làm xúc động lòng người, không những trong nước mà cả nhiều nước trên thế giới, nó thức tỉnh lương tri của toàn nhân loại, kể cả những kẻ đã từng gây tội ác đối với Đặng Thuỳ Trâm, đối với nhân dân Việt Nam. Không phải ngẫu nghiên mà nhà xuất bản Random House - một nhà xuất bản lớn hạng nhất nước Mỹ đã chọn ngày 11-9-2007 – sáu năm sau thảm kịch khủng bố mà nước Mỹ phải gánh chịu làm ngày phát hành Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm dưới tiêu đề “Đêm qua tôi mơ thấy hoà bình”, lấy từ một câu trong cuốn nhật ký giờ đây đã thành bất tử. Đó là cái nhan đề thật đẹp, thật xúc động! Sau 35 năm “cư trú” tại nước Mỹ, đã có tới 14 nước mua bản quyền cuốn nhật ký có lửa ấy, nghĩa là Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm sẽ “phủ sóng” trên toàn thế giới với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Khát vọng hoà bình, hạnh phúc của một người con gái Việt Nam đã trở thành thông điệp đến với hàng tỷ người trên hành tinh. Với nhạc sĩ Phạm Tuyên thì sự kiện này đã tác động mạnh đến ông, làm cho trái tim anh rung lên để bật ra những nốt nhạc bi hùng, thế là ca khúc Ngọn lửa Thuỳ Trâm ra đời. Bài hát được dàn đồng ca của Đài TNVN thực hiện với giọng lĩnh xướng của NSƯT Phan Muôn vừa trầm hùng vừa tha thiết, nghe sao xúc động lạ thường.
Hai vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên mang bản nhạc và đĩa CD bài Ngọn lửa Thuỳ Trâm đến tặng gia đình bà Doãn Thị Ngọc Trâm (mẹ của Thuỳ Trâm), cả gia đình bà và hàng xóm cùng ngồi nghe xung quanh ban thờ người nữ liệt sĩ anh hùng ấy, mọi người như nín thở lắng nghe từng giai điệu, từng lời ca của bài hát, một không khí thật trầm lắng. Nghe xong, Kim Trâm, cô em út của Thuỳ Trâm xúc động nói: “Viết về chị Thuỳ em đã có nhiều nhạc sĩ đến nhà gửi tặng bài hát, bài nào nghe cũng hay, nhưng hôm nay được nghe bài Ngọn lửa Thuỳ Trâm của nhạc sĩ Phạm Tuyên em thấy xúc động hơn cả. Bài hát quá hay!”
(Trích Hồi ký Chúng tôi đã sống như thế của PGS – TS Nguyễn Ánh Tuyết)