NHỮNG BÀI HÁT VIẾT VỀ ĐẢNG
29/12/2020 733
Bài hát đầu tiên Phạm Tuyên viết về Đảng là bài “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” (1959). Đó là một khúc tự sự từ những câu thơ của Louis Aragon (nhà thơ Cộng sản Pháp, do Tố Hữu dịch) với âm hưởng vừa hào hùng bừng cháy lên ngọn lửa yêu nước vốn có trong ông, vừa trữ tình, thiết tha, thành kính, trải dài một niềm tin vào lý tưởng Cộng sản.
Bài hát đầu tiên Phạm Tuyên viết về Đảng là bài “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” (1959). Đó là một khúc tự sự từ những câu thơ của Louis Aragon (nhà thơ Cộng sản Pháp, do Tố Hữu dịch) với âm hưởng vừa hào hùng bừng cháy lên ngọn lửa yêu nước vốn có trong ông, vừa trữ tình, thiết tha, thành kính, trải dài một niềm tin vào lý tưởng Cộng sản.
Bài hát này không phải là một ca khúc quần chúng dễ hát mà là một ca khúc mang tính kinh điển, giàu chất trí tuệ, thế nhưng nó lại khá phổ biến trong các tầng lớp trí thức, thanh niên, sinh viên thời bấy giờ. Cho tới những năm 2000, thế kỷ XXI, bài hát lại được ngân vang ở những tam ca nổi tiếng với các lứa tuổi khác nhau như nhóm tam ca của những NSND nổi tiếng, gồm Quý Dương, Trung Kiên, Trần Hiếu và nhóm tam ca của những ca sĩ trẻ có nhiều triển vọng, đang ăn khách, gồm Việt Hoàn, Đăng Dương, Trọng Tấn với giọng hát vừa sôi nổi, vừa đắm say như đang tỏa sáng một lý tưởng cao đẹp. Ca khúc này còn được thể hiện với nhiều hình thức khác như đồng ca, đơn ca, chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp.
Trong những ngày hoà bình đầu tiên trên miền Bắc, ông đã viết bài “Đảng đã cho ta cả một mùa xuân” cũng dựa trên ý của Paul Vaillant Couturier, một chiến sĩ cộng sản Pháp: “Chủ nghĩa Cộng sản là tuổi thanh xuân của thế giới”. Bài hát đã thấm vào đời sống trong trẻo và hồn hậu, đã hoà quyện khát vọng mùa xuân và niềm tin đối với Đảng: “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng/ Đảng truyền cho ta một niềm tin ở tương lai/ Đảng đã đem về tuổi xuân cho nước non/ Thế giới quanh ta hân hoan ngàn tiếng cười...”. Nếu đoạn đầu có giai điệu trong trẻo trữ tình mà nhẹ nhàng trong sáng thì ở đoạn sau âm nhạc bỗng vang lên rực rỡ như đầy ánh nắng mặt trời: “Bạn ơi mùa xuân khắp nơi tươi đẹp quá/ Khi lý tưởng Đảng rực sáng trong tim chúng ta”. Bài hát mới ra đời đã cộng hưởng ngay với mọi người nhất là tuổi trẻ nên có sức lan toả nhanh.. Bài hát được viết từ năm 1960 trong sự thay đổi diệu kỳ của miền Bắc vào những ngày hoà bình đầu tiên mà mười lăm năm sau đó, giữa Sài Gòn mới giải phóng hàng ngàn học sinh, sinh viên đã hát vang bài ca này cùng với bài “Khi ta có mặt trời chân lý” mà anh đã viết ngay sau ngày Miền Nam giải phóng với điệp khúc nói lên niềm hân hoan vui sướng đến ngất ngây của tuổi trẻ.
Nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha đã kể lại trong chương trình Con đường âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên trên VTV3 đầu năm 2007: hồi anh còn trong quân ngũ hành quân từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, tối đến nghỉ lại ở một cái lán thuộc đất Lào. Tình cờ lại gặp một đơn vị bộ đội ta giải một toán tù binh nguỵ cũng đang trú chân ở đấy. Đêm hôm ấy đơn vị của anh mở cuộc liên hoan văn nghệ quanh đống lửa rừng và hát vang ca khúc Đảng đã cho ta cả một mùa xuân, nhiều người trong toán tù binh nguỵ đã rất ngỡ ngàng, họ tỏ ra cảm kích và rất thích thú bài ca Cách mạng ấy.
Khi nghe những ca khúc viết về Đảng cũng như nhiều ca khúc khác của nhạc sĩ Phạm Tuyên, Lê Duy Ứng, một hoạ sĩ thương binh, nổi tiếng với những bức hoạ và điêu khắc về Bác Hồ khi anh đã bị mù cả hai mắt (anh bị thương trước cửa ngõ Sài Gòn ngay trong ngày Sài Gòn giải phóng) đã thực sự ưa thích những bài hát đó, và trong một bức thư gửi nhạc sĩ Phạm Tuyên, anh bộc lộ lòng ái mộ: “Nghe nhạc của anh, tự nhiên tôi thấy bừng ánh lên nhiều màu sắc của cuộc sống!”. Nhiều người cũng có nhận xét như thế: trong ca khúc của Phạm Tuyên âm thanh và màu sắc đã hoà quyện với nhau.
(Trích Hồi ký Chúng tôi đã sống như thế của PGS – TS Nguyễn Ánh Tuyết)