XUẤT XỨ BÀI CA NHỮNG NGƯỜI CON GÁI ĐỒNG CHIÊM
29/12/2020 466
Chúng ta hãy theo bước chân của nhạc sĩ Phạm Tuyên, từ rừng về với đồng bằng để nghe ông kể xuất xứ của bài ca Những người con gái đồng chiêm viết về chị em nông dân trong phong trào Ba đảm đang của phụ nữ trên toàn miền Bắc. (Bài viết này đã được đăng trong tập sách nhỏ Kinh nghiệm sáng tác ca khúc cùng với bài viết của nhạc sĩ Lê Yên) :
Chúng ta hãy theo bước chân của nhạc sĩ Phạm Tuyên, từ rừng về với đồng bằng để nghe ông kể xuất xứ của bài ca Những người con gái đồng chiêm viết về chị em nông dân trong phong trào Ba đảm đang của phụ nữ trên toàn miền Bắc. (Bài viết này đã được đăng trong tập sách nhỏ Kinh nghiệm sáng tác ca khúc cùng với bài viết của nhạc sĩ Lê Yên) :
“ Vào mùa hè năm 1964, tôi cùng một số nhạc sĩ có dịp về thăm một số điạ phương Hà Tây. Sau gần 10 năm được sống trong hoà bình, nông thôn của miền Bắc nước ta, nhất là những vùng chiêm trũng, đã có những thay đổi đáng ghi nhận. Chúng tôi đã đến thăm một số làng ở huyện Ứng Hoà, nơi có những đội du kích nổi tiếng từ những năm kháng chiến chống Pháp, nay đã phát huy truyền thống năm xưa trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.
Những đồng lúa xanh rờn, những ruộng bèo dâu lung linh trong nắng sớm, những đàn em bé tung tăng đến trường và cả những đội dân quân “tay cày tay súng” không quên nâng cao cảnh giác khi giặc Mỹ còn chiếm đóng miền Nam và đang đe doạ miền Bắc Hoà bình. Tất cả đã gây hưng phấn cho những người sáng tác chúng tôi và những âm hưởng chèo của đồng bằng Bắc Bộ như ngân lên trong đầu tôi.
Nét nhạc mở đầu là một âm hưởng từ lời mời của chính những cô gái dân quân Ứng Hoà đối với tôi: “Anh về thăm quê chúng em” (Đô sòn đô đô rê đô) và toàn bài toát lên những cung bậc của làn điệu chèo (rõ nét là điệu Chức cẩm hồi văn) nhưng với một tiết tấu rộn ràng, khoẻ khoắn, thiết tha.
Đây là một trong những bài được phổ biến rộng rãi trong những năm 60 của thế kỷ trước và được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt nam tặng giải A trong cuộc vận động sáng tác của Hội.
(Trích Hồi ký Chúng tôi đã sống như thế của PGS – TS Nguyễn Ánh Tuyết)